fbpx
Tự tin giao tiếp tiếng Nhật
Tiếng Nhật và Người đi làm

3 Suy nghĩ khiến bạn không tự tin giao tiếp tiếng Nhật

Luyện tập và sử dụng ngoại ngữ thường xuyên là cách duy nhất để thành thạo ngoại ngữ đó. Tuy nhiên, một trong những khó khăn thường gặp nhất trong thực hành giao tiếp tiếng Nhật đó là chính là việc không tự tin khi nói tiếng Nhật. Các bạn thường có thể nói tiếng Nhật mà không hề gặp bất kì chướng ngại tâm lý nào trong giờ học. Tuy nhiên, cứ khi phải giao tiếp trong một môi trường mới là khả năng phản xạ tiếng Nhật bay đi đâu mất. Vì vậy, trong bài viết này, mình sẽ đưa ra 3 nguyên nhân khiến các bạn không tự tin khi giao tiếp tiếng Nhật, qua đó có thể giúp các bạn khắc phục những khó khăn khi sống làm việc tại Nhật, đặc biệt là khi phải làm việc trong môi trường công ty Nhật.

So sánh khả năng tiếng Nhật của bản thân với người khác

Thật ra, so sánh bản thân với người khác về bất kì điều gì đã là điều không nên. Tất nhiên, ở một phương diện nào đó, nếu sự so sánh trở thành động lực (motivation) để các bạn cố gắng hơn thì đó lại là câu chuyện khác. Tuy nhiên, thực tế thì trong phần lớn các trường hợp, so sánh với ai đó giỏi giang hơn, thành tích tốt hơn thường là nguyên nhân khiến các bạn dễ bị mất tự tin từ đó dẫn đến việc không dám tự thể hiện mình.

Cụ thể trong chuyện học tiếng Nhật, các bạn tham dự một event hay seminar nào đó và gặp một senpai nói tiếng Nhật chằng khác nào người bản xứ thì hẳn nào cũng có suy nghĩ kiểu: “Tiếng Nhật không bằng senpai nên tốt nhất là không nói gì cho đỡ ngại !”’. Hay ngồi lướt facebook vô tình xem được vlog cuả bé nào đó với nội dung đạt N1, N2 trong vòng vài tháng là ngồi luôn cả tiếng đồng hồ than thân thách phận không hiểu mình đã làm cái quái gì trong suốt những năm qua, và tự quy chụp mình không có khả năng học tiếng Nhật,…

Trước hết, phải khẳng định một điều chắc chắn rằng sự so sánh trong các kiểu tình huống  kiểu như trên đều là khập khiễng. Vì sao ? Thứ nhất, muốn so sánh điều gì, trước hết bạn phải đặt nó trong cùng một hoàn cảnh hoặc cùng một vạch xuất phát. Thế nên, việc so sánh tiếng Nhật của một bạn vừa sang Nhật vài tháng với một senpai đã ở Nhật tới cả chục năm là điều hoàn toàn không hợp lý. Thứ hai, khả năng tiếng Nhật nên được đánh giá toàn diện chứ không phải dựa trên kỹ năng đơn lẻ nào đó. Rất có thể một người nói rất tốt nhưng kỹ năng viết hay đọc hiểu của họ không tốt như thế.

Chính vì vậy, sự so sánh bản thân với ngừoi khác để rồi cảm thấy tự ti, không dám thể hiện mình là điều hoàn toàn không cần thiết. Mình chắc chắn rằng những senpai, những vlogger mà các bạn luôn nhìn vào họ và nghĩ : “Ước gì mình được như anh ấy/cô ấy” cũng đã từng như các bạn bây giờ, đều trải qua quá trình học tập tương tự như các bạn thôi. Vậy nên, hãy dừng ngay mấy việc so sánh theo hướng tiêu cực đó đi nhé !

Suy nghĩ luôn cho rằng tiếng Nhật của bản thân chưa đủ tốt

Thực ra đây là điều mà mình thấy không chỉ người học tiếng Nhật mà tiếng Anh hay bất kì ngoại ngữ nào cũng thường mắc phải. Kiểu như khi các bạn nói điều gì đó với người bản xứ và khi họ ra vẻ không hiểu hay yêu cầu bạn nhắc lại điều vừa nói thì mình chắc rằng đến 90% các bạn đều có suy nghĩ là: “Chắc mình vừa dùng sai ngữ pháp hay dùng từ ngữ không đúng rồi,..” Nói chung là cứ hễ việc giao tiếp có vấn đề gì là các bạn sẽ nghĩ ngay là do tiếng Nhật của mình có vấn đề. Hệ quả tiếp theo là mất luôn sự tự tin để giao tiếp tiếng Nhật sau giây phút cuộc hội thoại bị gián đoạn đó.

Tuy nhiên, thực tế thì có rất nhiều nguyên nhân không hề liên quan đến khả năng giao tiếp tiếng Nhật của bạn khiến người đối diện không hiểu những gì bạn đang nói.

  • Khả năng thứ nhất: Khoảng cách quá xa hay âm lượng lời nói quá nhỏ khiến người đối diện không thể nghe rõ điều bạn nói.
  • Khả năng thứ hai: Người đối diện không có kiến thức hoặc hiểu biết về nội dung bạn muốn truyền tải. Các bạn đừng quên ngôn ngữ chỉ là phương tiện để truyền tải nội dung cần trao đổi trong cuộc hội thoại. Chính vì vậy, dù có là người bản ngữ thì nếu nội dung bạn truyền tải là điều mà người nghe chưa từng nghe qua hoặc không có kiến thức nền thì việc họ yêu cầu bạn giải thích hay nhắc lại nội dung đó cũng là điều hoàn toàn dễ hiểu. Cứ tưởng tưởng kiểu một người nước ngoài nói với bạn nội dung mang tính chuyên môn như y học, nghiên cứu khoa học,…thì dù có nghe bằng tiếng Việt thì hẳn là bạn cũng không thể hiểu hết điều họ nói trong lần nghe đầu tiên phải không?
  • Khả năng thứ ba: Nghe có vẻ hơi khó tin (thực tế là cũng sẽ rất ít khả năng xảy ra) nhưng cuộc hội thoại cũng hoàn toàn có thể bị gián đoạn do vấn đề tiếng Nhật của người dối diện. Điều này có thể xảy ra khi người nghe chỉ quen dùng tiếng địa phương (方言)  trong khi bạn dùng tiếng Nhật tiêu chuẩn (標準語) và ngược lại. Điều này cũng tương tự như các bạn miền Bắc nhiều khi nghe giọng Trung hoặc giọng Nam mà như nghe ngoại ngữ vì từ ngữ sử dụng khác nhau vậy.

Ngoài những khả năng trên thì hoàn toàn có thể có còn những yếu tố khác nữa khiến người đối diện không hiểu những điều bạn nói. Vì vậy, nếu có được yêu cầu nhắc lại những gì vừa nói thì cũng cứ bình tĩnh mà đừng vội nghĩ ngay rằng tiếng Nhật của bản thân chưa đủ tốt nhé!

Quan niệm phải sử dụng tiếng Nhật thật hoàn hảo

“Chỉ nói tiếng Nhật khi chắc chắn ngữ pháp đúng 100% hay chọn được từ ngữ thật phù hợp với hoàn cảnh,,,” bla bla,…Những suy nghĩ kiểu như vậy thoáng nhìn thì không có vấn đề gì, nhưng trên thực tế đã vô tình trở thành chướng ngại cho việc giao tiếp tiếng Nhật.

Suy nghĩ phải nói tiếng Nhật thật chuẩn khiến các bạn, đặc biệt là các bạn mới bắt đầu học tiếng Nhật mất rất nhiều thời gian để nói bất cứ điều gì bằng tiếng Nhật. Điều này không chỉ hạn chế khả năng phản xạ tiếng Nhật mà còn ảnh hưởng lớn đến tốc độ và chất lượng cuộc hội thoại. Quan trọng hơn, suy nghĩ phải nói tiếng Nhật thật hoàn hảo khiến các bạn rất dễ bị mất tự tin khi ai đó chỉ ra lỗi sai trong việc sử dụng tiếng Nhật của bản thân.

Vì thế, thay vì suy nghĩ phải dùng tiếng Nhật thật chuẩn hay phải nói như người bản xứ, hãy đặt mình với tâm thế của một người nước ngoài học một ngôn ngữ mới. Suy nghĩ theo hướng đó sẽ giúp các bạn loại bỏ các áp lực không cần thiết khi phải giao tiếp bằng tiếng Nhật, đặc biệt là với người Nhật. Thực ra thì ngay cả người bản ngữ cũng không thể chắc chắn là sẽ không mắc lỗi, chính vì vậy hãy cứ nghĩ rằng việc chúng ta, những người vẫn đang trong quá trình học ngôn ngữ đó thì việc mắc lỗi là điều hoàn toàn dễ hiểu.

Trên đây là 3 suy nghĩ sai lầm dẫn đến sự mất tự tin khi giao tiếp tiếng Nhật mà thường các bạn học tiếng Nhật hay gặp phải. Không cần phải nói thì ai cũng biết rẳng tự tin là yếu tố rất quan trọng quyết định đến thành công trong giao tiếp, cũng như là chìa khoá kết nối nhiều cơ hội cũng như sự tiến bộ của bản thân trong tương lai. Chính vì vậy, nếu các bạn đâu đó vẫn còn có những quan niệm như trên thì hãy suy nghĩ lại nhé.

Avatar photo

Minh Dương is the Author of Blog "Office Life in Japan - Cuộc sống công sở Nhật Bản". Find out more about her at About of this Blog !