Làm gì khi có quá nhiều lời khuyên về việc học tiếng Nhật?
Nếu như trước đây thì những người học tiếng Nhật gặp rất nhiều khó khăn khi số lượng người học và sử dụng tiếng Nhật không nhiều. Vậy nên sẽ không có nhiều cơ hội để hỏi han kinh nghiệm những người đi trước. Tuy nhiên, hiện nay khi mà nguồn tài liệu tham khảo cũng như kinh nghiệm của những người học tiếng Nhật đi trước vô cùng phong phú thì lại đặt ra cho những bạn mới học tiếng Nhật sự băn khoăn khi không biết áp dụng những lời khuyên đó như thế nào. Bài viết này sẽ là những chia sẻ xung quanh vấn đề nên làm gì để chọn cho mình lời khuyên hữu ích nhất về việc học tiếng Nhật.
3 Suy nghĩ khiến bạn không tự tin giao tiếp tiếng Nhật
1. Lựa chọn lời khuyên đáng tin cậy và phù hợp
Điều nghe có vẻ hiển nhiên nhưng là điểm rất đáng lưu ý khi các bạn hàng ngày tiếp xúc với lượng thông tin vô cùng lớn, tương tự với vô vàn lời khuyên từ thầy cô, senpai, bạn bè hoặc thậm chí từ ai đó trên youtube. Tuy nhiên, điều đó không đồng nghĩa với việc tất cả những thông tin mà bạn nghe được, đọc được đều là thông tin có giá trị và những lời khuyên mà bạn biết được đều là hữu ích.
Nguồn thông tin đáng tin cậy
Khi lựa chọn nguồn thông tin tham khảo cho bản thân thì hãy chú ý tìm hiểu xem trang web đó, tác giả quyển sách đó, vlogger đó là ai, học vấn hay kinh nghiệm như thế nào, có thực sự là nguồn thông tin có thể tin tưởng không?…Tất nhiên, những địa chỉ được biết đến rộng rãi với những feedback tích cực là cơ sở đáng giá để tin tưởng giá trị của nguồn thông tin. Tuy nhiên, mình cũng thường hay tìm được những tips hay ho ở những web hay vlog vô tình tìm được, tức là còn ít người biết đến. Nói cách khác, trong nhiều trường hợp thì đừng nên mặc định giá trị của nguồn thông tin tỷ lệ thuận với độ phủ sóng của nó nhé.
Nguồn thông tin phù hợp
Nói một cách đơn giản thì các bạn nên cân nhắc lời khuyên đến từ ai đó gần sát với mục đích học tiếng Nhật của bản thân nhất. Các bạn có thể hình dung nếu các bạn đặt mục tiêu thi đỗ N1 thì chắc hẳn lời khuyên của một ai đó đã từng thi đỗ JLPT hay một trang web chuyên về tài liệu thi JLPT sẽ hữu ích hơn hẳn một senpai tuy rằng đang làm việc trong công ty Nhật nhưng đã không quan tâm đến kỳ thi đó từ lâu rồi.
Tương tự như vậy, muốn học hỏi về tiếng Nhật công sở thì hiển nhiên là nên xem blog của ai đó đang thực tế làm việc trong môi trường công sở Nhật hơn là xem vlog của một du học sinh nào đó chia sẻ về kinh nghiệm học tiếng Nhật. Nói cách khác, tuỳ vào mục đích học tiếng Nhật của bản thân thì các bạn nên chọn những nguồn thông tin phù hợp nhất.
2. Đánh giá ban đầu về tính tương thích của bản thân với lời khuyên về việc học tiếng Nhật
Trường hợp bản thân có thể đánh giá được
Nếu đã tìm ra được cho mình những điều phù hợp và không phù hợp với bản thân thì sẽ khá đơn giản khi có thể đưa ra đánh giá gần như ngay lập tức rằng lời khuyên về việc học tiếng Nhật đó có hữu ích với bản thân hay không? Ví dụ như bản thân mình hiểu rất rõ rằng mình không có hứng thú với những drama của Nhật nên khi đọc được những tips về xem những bộ phim Nhật để cải thiện tiếng Nhật hay tương tự thế thì mình auto bỏ qua vì biết rõ rằng nó không hiệu quả với bản thân.
Trường hợp bản thân không thể đánh giá được
Vậy trong trường hợp bạn vẫn chưa tìm ra được điều gì là phù hợp với bản thân thì nên làm như thế nào? Câu trả lời rất đơn giản, chỉ có cách áp dụng lời khuyên, thử nghiệm nó để dần dần tìm ra được hình thức nào, cách thức nào là có hiệu quả với bản thân. Nhớ là kiên trì cho bản thân một chút thời gian để đánh giá được thực sự lời khuyên đó là phù hợp hay không nhé.
Bản thân mình trước khi nhận ra được xem phim Nhật không phải là cách phù hợp với bản thân để rèn luyện tiếng Nhật thì mình cũng đã thử cố xem rất nhiều bộ phim Nhật, với đủ cách áp dụng từ vừa xem vừa chú thích từ mới, vừa xem vừa shadowing với lời thoại nhân vật,…Mình đã cố gắng duy trì một thời gian nhưng sau đó mình nhận ra đó không phải là điều mà mình có hứng thú và thực tế thì cũng mang về hiệu quả trong việc cải thiện tiếng Nhật. Sau đó, thì mình chuyển qua xem các chương trình giải trí và nhận ra rằng đây là hình thức mà bản thân mình cảm thấy có hiệu quả rõ rệt trong việc học tiếng Nhật và đến nay vẫn duy trì thói quen này mỗi khi có thời gian.
Đừng nói “Không” với những thử nghiệm mới
Chỉ một lưu ý ở đây là giới hạn, thói quen nào cũng có thể thay đổi nên nhiều khi cũng không nên gò bó bản thân vào những cách thức quen thuộc. Lâu lâu biết được những tips về hình thức, phương pháp học mới mà cảm thấy đáng thử thì các bạn cũng rất nên thử áp dụng để biết đâu sẽ tìm được những cách học hoàn toàn khác với những điều mình đã và đang làm.
3. Áp dụng và duy trì thành thói quen
Một trong những nguyên nhân khiến rất nhiều bạn dù có áp dụng bao nhiêu lời khuyên có giá trị về việc học tiếng Nhật của các tiền bối đi trước, có mua bao nhiêu sách tham khảo thì vẫn không có hiệu quả, đó là việc các bạn không duy trì phương pháp học đó trong một thời gian đủ dài mà đã từ bỏ trước khi hiệu quả thực sự có thể nhìn thấy được. Hoặc áp dụng lời khuyên về việc tiếng Nhật một cách không triệt để dẫn đến việc không đem lại hiệu quả như mong muốn.
Câu chuyện học Tiếng Nhật của Người đi làm – Kỹ năng Viết
Ví dụ như bạn chọn hình thức ghi memo từ mới học được mỗi ngày nhưng vừa thực hiện được vài ba ngày đã cho rằng memo rồi nhưng không áp dụng được nên cảm thấy hình thức này không phù hợp với bản thân. Trước hết, bạn cần xem xét lại xem mình đã thực sự thực hiện một cách đúng cách chưa? Ghi memo có kèm ví dụ cụ thể về ngữ cảnh áp dụng không, có review lại những từ đã memo không? Hơn nữa vài ba ngày thì chưa đủ dài để có thể thực sự nhìn thấy sự tiến bộ của bản thân. Để một hành động trở thành thói quen, điều mà bạn luôn cần nhớ là phải thực hiện nó nghiêm túc và duy trì trong khoảng thời gian nhất định, điều mà rất nhiều người tin rằng là ít nhất 21 ngày.
Vậy nên, nếu đã lựa chọn áp dụng lời khuyên nào đó về việc học tiếng Nhật thì điều quan trọng nhất là việc thực hiện một cách triệt để cũng như kiên trì duy trì thành thói quen của bản thân nhé.