fbpx
Mind,  Working Style

Bạn có đang cố gắng quá mức?

Bài viết này được viết sau khi mình vô tình đọc được một vài bài viết về tình trạng mà rất nhiều người trẻ hiện nay đang đối mặt, khi phải sống giữa vô vàn áp lực từ gia đình, bạn bè, thậm chí là từ mạng xã hội, đó là việc luôn cố gắng một cách quá mức, dẫn đến tình trạng stress thường xuyên hay không tìm được thời điểm để thư giãn, nghỉ ngơi phù hợp. 

Cách nói “いつも頑張りすぎてしまう人” trong tiếng Nhật hay “Overachiever”- những cá nhân “biểu hiện tốt hơn hoặc đạt được thành công hơn mức mong đợi” trong tiếng Anh (tuy nhiên, với nội dung đề cập đến trong bài viết này thì khái niệm này nên được hiểu theo hướng quá mức, thái quá) được dùng để chỉ những người như vậy.

Những biểu hiện của một người luôn cố gắng một cách quá mức

Trong guồng quay cuộc sống hiện đại thì việc mỗi người đều có cho mình rất nhiều mục tiêu để theo đuổi là một điều đã được coi là hiển nhiên. Vậy ranh giới nào để phân cách giữa việc theo đuổi những mục tiêu đó một cách tích cực và việc bạn đang gây áp lực lên bản thân một cách không cần thiết. Sau đây là một vài dấu hiệu có thể giúp để xác định sự khác biệt đó. 

1. Bạn có nhiều mục tiêu để thực hiện cùng lúc

Hiển nhiên là bạn sẽ có nhiều mục tiêu đang cùng ở thì “hiện tại tiếp diễn” và khả năng cao là chúng sẽ không hề liên quan đến nhau. Ví dụ như bạn vừa muốn học tốt tiếng Anh, vừa muốn nói được Tây Ban Nha trong khi vẫn muốn giữ vững  danh hiệu Top Sale tại công ty chẳng hạn.

Những mục tiêu này có thể được chia sẻ công khai với bạn bè, đồng nghiệp nhưng phần nhiều thì thường không được chia sẻ, mà bạn sẽ lên list những mục tiêu cần đạt được và giữ lại cho riêng bản thân, rồi sau đó âm thầm nỗ lực để hoàn thành những mục tiêu đó.

2. Bạn không ngừng đặt ra những mục tiêu mới cho bản thân

Một điều phổ biến là bạn sẽ khó lòng có được cảm giác hoàn toàn tận hưởng niềm vui khi một mục tiêu nhất định đó được hoàn thành. Vì sao? Đơn giản bởi ngay khi bạn đạt được một điều gì đó đã dự định thì bạn sẽ ngay lập tức suy nghĩ đến một mục tiêu khác ở mức cao hơn, rồi lại bắt đầu quá trình lên kế hoạch, thực hiện,…để hiện thực hoá mục tiêu mới đó.

Vậy nên, thay vì dừng lại một chút để tận hưởng trọn vẹn cảm giác khi chạm tới một cột mốc, tạm gọi là thành tích, thì bạn lại vội vã hướng tới một mốc nào đó ở xa hơn. Chính việc theo đuổi một cách không ngừng nghỉ các kế hoạch từ ngắn hạn đến dài hạn là một trong những nguyên nhân có thể dẫn đến tình trạng căng thẳng thường xuyên, khó khăn trong việc duy trì tinh thần và động lực làm việc. 

3. Bạn quá nghiêm khắc với bản thân

Việc đặt ra những tiêu chuẩn cao cho bản thân mà trong nhiều trường hợp là quá mức cần thiết cũng như cảm giác thất vọng, giận dữ,… mỗi khi không thể  thực hiện những mục tiêu đã đề là một trong những dấu hiệu rất dễ nhận thấy.

Chính bởi vì luôn khắt khe với bản thân nên bạn thường cảm thấy khó khăn trong việc tiếp nhận những nhận xét thẳng thắn, kéo theo đó là sự đổ lỗi cho bản thân về những điểm còn thiếu xót được chỉ ra khi phải đón nhận những góp ý, nhận xét cả tích cực và tiêu cực từ đồng nghiệp, khách hàng. 

4. Bạn khó lòng nói “Không” với những người xung quanh

Nghiêm khắc với bản thân là vậy nhưng bạn lại luôn cố gắng để làm hài lòng những người xung quanh bằng việc chấp nhận hầu như tất cả những yêu cầu hay nhờ vả của đồng nghiệp, mà trong nhiều trường hợp là ngoài phạm vi công việc được yêu cầu của bản thân. Không chỉ vậy, việc luôn yêu cầu bản thân phải hoàn thành mọi việc cao hơn yêu cầu được đặt ra đã bạn vào những tình huống phải kéo dài thời gian làm việc, rút ngắn thời gian nghỉ ngơi để có thể hoàn thành, tạm gọi là “vượt chỉ tiêu”, những công việc được giao.

Lời khuyên nào ở đây?

Nếu bạn nhìn thấy mình ở những đặc điểm được đưa ra trên đây thì bạn rất có thể đang cố gắng quá mức rồi đấy. Tuy nhiên, bản thân mình cũng là một người trẻ sống giữa những áp lực đến từ công việc, gia đình, rồi chỉ một click là có vô số những tin tức về thành công của những người cùng tuổi, cùng ngành. Hơn nữa, sống và học tập tại Nhật đồng nghĩa với việc bạn phải cố gắng hơn nhiều lần để có thể theo kịp những đồng nghiệp hay bạn bè người bản xứ khi gặp phải những khó khăn về ngôn ngữ, văn hoá ở điểm xuất phát. Vậy nên, mình hiểu rằng cố gắng và cố gắng hơn nữa vô hình chung trở thành điều hiển nhiên trong suy nghĩ của mỗi người trong chúng ta.

Điều đó hoàn toàn không có vấn đề gì cho đến khi bạn cảm thấy bức bối, áp lực, kéo theo việc ảnh hưởng đến hiệu quả học tập và làm việc. Nếu bạn đang phải đối mặt với những vấn đề như vậy thì một vài lời khuyên dưới đây hi vọng sẽ giúp ích phần nào.

1. Quyết định lại thứ tự ưu tiên của cuộc sống

Điều quan trọng nhất, theo mình là bạn nên sắp xếp lại thứ tự ưu tiên trong cuộc sống của bản thân, từ đó quyết định mục tiêu nào nên thực hiện ở thời điểm nào. Việc xác định được điều gì thực sự cần thiết để dành tập trung thời gian, năng lượng theo đuổi thay vì dùng cảm giác “đang theo đuổi một mục tiêu nào đó” để trấn an bản thân rằng mình đang cố gắng và không bị bỏ lại phía sau, theo mình là cách hữu hiệu để gác lại những áp lực không cần thiết khiến bạn ép bản thân phải cố gắng quá mức.

Trong trường hợp khó có thể định vị được thứ tự ưu tiên này thì việc xin lời khuyên từ những người đi trước (senpai), hay những đồng nghiệp giàu kinh nghiệm,…sẽ là những gợi ý giúp bạn có cái nhìn khách quan về tình trạng của bạn thân.

Một ví dụ là việc học hay thi các chứng chỉ chẳng hạn. Trước khi đăng ký thi hay tham gia một khoá học nào đó, mình nghĩ sẽ hợp lý hơn nếu bạn cân nhắc về việc: Liệu có nhất thiết phải lấy được chứng chỉ đó ở thời điểm này trong khi bạn vẫn còn những mục tiêu khác đang hoàn thành? Thay vì quyết đinh thi vì mọi người xung quanh đều thi hay thi rồi để đó, sau này kiểu gì cũng sử dụng. Theo mình, bạn chỉ nên thi nếu bạn thực sự hứng thú, muốn tìm hiểu sâu hơn về lĩnh vực đó hoặc bạn đang ở trong tình huống bắt buộc phải có chứng chỉ để thực hiện một một mục tiêu nào khác, như apply công việc, học bổng,…

2. Học cách chấp nhận bản thân với những gì đang có

Đây là điều nghe tưởng chừng dễ nhưng thực ra thì lại vô cùng khó để thực hiện. Thay vì thiếu tự tin hay phải dùng mọi cách để cố gằng lấp đầy những thiếu xót của bản thân thì việc thừa nhận những điều không hoàn hảo của bản thân một cách trung thực nhất là điều kiện quan trọng để bạn tự tin vào những điều đang làm và không bị ảnh hưởng bởi thành công của những người xung quanh.

Ở đây, việc thừa nhận không đồng nghĩa việc việc bạn không làm gì hay không nỗ lực để khắc phục những khuyết điểm đó. Nhưng điều quan trọng là bạn hiểu rằng những điều không hoàn hảo đó cũng là một phần giá trị riêng của bạn và chính bạn sẽ là người đưa ra quyết định sẽ khắc phục nó hay không chứ không phải những nỗ lực không hồi kết để biến mình trở nên hoàn hảo, theo định nghĩa của “một vài người nào đó”.

Kết

Ngay từ những ngày đầu tiếp xúc tiếng Nhật thì cụm từ  “頑張って下さい” (Cố gắng lên nhé ) đã được dạy/học như một cách để động viên, khuyến khích nỗ lực của một ai đó. Tuy nhiên, qua bài viết này, thay vì dùng cụm từ trên thì điều mình muốn đề cập đến ở đây là “頑張りすぎないで” (Đừng cố gắng một cách quá mức!”). Hi vọng rằng ngoài việc không ngừng nỗ lực, hướng về phía trước thì các bạn cũng cân nhắc để tìm cho mình một sự cân bằng cần có cho cuộc sống của bản thân.

Avatar photo

Minh Dương is the Author of Blog "Office Life in Japan - Cuộc sống công sở Nhật Bản". Find out more about her at About of this Blog !