fbpx
Quản lý tài chính khi sống ở Nhật

Cách tăng thu nhập khi làm việc tại Nhật (Part 2)

Nối tiếp chuỗi bài viết với các chia sẻ liên quan đến kinh nghiệm về quản lý chi tiêu khi sống và làm việc ở Nhật, bài viết này sẽ tiếp tục giới thiệu một vài tips có thể áp dụng để góp phần tiết kiệm chi phí và tăng thu nhập khi sống và làm việc tại Nhật.

1. Kiểm soát thu nhập

Nếu bạn chỉ có một nguồn thu nhập, ví dụ như từ lương thì mọi chuyện rất đơn giản. Vì hàng tháng, cứ đến ngày thì tiền lương sẽ được chuyển về tài khoản ngân hàng đã chỉ định. Tuy nhiên, trong trường hợp bạn có nhiều hơn một nguồn thu nhập,..hoặc công việc có thu nhập không ổn định (phụ thuộc vào số giờ làm thêm, thưởng doanh số,…) thì rất nhiều bạn thậm chí không hề nắm được số tiền mình kiếm được mỗi tháng là bao nhiêu?

Việc đầu tiên cần làm là hãy xác nhận thật kỹ thông tin trên bảng lương nhận được. Phải hiểu được bảng lương thì mới biết lương cố định là bao nhiêu, đã bị trừ những khoản nào, đã đóng những loại thuế nào,…Trong trường hợp, nếu có gì sai sót thì có thể xác nhận lại được với công ty. Đồng thời có thể tìm kiếm các khả năng để đăng ký miễn giảm thuế, xin trợ cấp để tăng thu nhập khi làm việc tại Nhật.

Trong trường hợp bạn sử dụng nhiều hơn một tài khoản ngân hàng thì hãy sử dụng các dịch vụ/app để có thể kiểm tra số dư tài khoản online. Hiện các ngân hàng đều áp dụng những dịch vụ này, ví dự như UFJ với UFJ 三菱UFJダイレクト, hay Yuucho thì có ゆうちょ通帳アプリ,…Các dịch vụ này đều có thể đăng ký online và chỉ rất vài phút nhưng là cách rất tốt để kiểm soát được thu nhập của bản thân. Vì thế nên nếu bạn nào chưa dùng hay còn ngại thủ tục thì nên đăng ký ngay nhé. 

2. Theo dõi chi tiêu

 Sổ ghi chép chi tiêu (家計簿)

Nếu quen thuộc với văn hoá và con người Nhật thì có lẽ bạn đã từng nghe rất nhiều về  家計簿(かけいぼ), có thể hiểu là sở ghi chép chi tiêu trong gia đình. Đối với người Nhật thì việc ghi chép mọi chi tiêu dù là nhỏ nhất đã trở thành thói quen của đại đa số. Mình đã từng chứng kiến rất nhiều đồng nghiệp giữ lại cẩn thận những hoá đơn, dù là mua đồ ở conbini. Sau đó, theo như họ kể thì tất cả các thành viên trong gia đình, kể cả con cái đều sẽ giữ hoá đơn sau khi chi tiêu bất cứ khoản gì để tổng hợp lại trong file excel hẳn hoi. 

Nghe như vậy thì chắc rằng không nhiều người nước ngoài có thể làm được như thế. Dù vậy, nếu không thể cẩn thận được như những đồng nghiệp Nhật thì cách đơn giản nhất là có thể theo dõi các chi tiêu háng tháng thông qua các app. Bản thân mình thì đang dùng App gọi là “Oh my money”, thấy cũng ổn dù giao diện không được tinh tế cho lắm. Nếu bạn nào muốn áp dụng 家計簿 kiểu Nhật thì có thể tham khảo các app như: “マネーフォワード ME”, “家計簿Zaim”…được người Nhật rất ưa chuộng.

Phân biệt “Needs” và “Wants”

Vậy kiểm soát (tracking) được chi tiêu rồi thì làm gì tiếp? Rất đơn giản, phải biết được mình dùng tiền vào đâu thì từ đó mới xác định được khoản chi tiêu nào cần cắt bỏ, cái nào thì không. Nếu ai còn chưa nghe đến khái niệm “Needs” và “Wants” thì đó chính là chìa khoá để cắt giảm chi tiêu một cách hợp lý và khoa học nhất rất phổ biến trên thế giới.

Nói một cách đơn giản thì“Needs” là những thứ thiết yếu đảm bảo nhu cầu cơ bản của cuộc sống, như thực phẩm cơ bản, chi phí thuê nhà,… Trong khi đó, “Wants” là chi tiêu cho những thứ mà bạn hoàn toàn có thế sống tốt với việc không có chúng, nhưng vẫn có mong muốn sở hữu như túi xách hàng hiệu hay điện thoại cao cấp,…Vì thế, nếu đang ở trong tình trạng phải cắt giảm chi tiêu thì các khoản dành cho mục “Wants” là những khoản chi tiêu bạn nên cân nhắc để loại bỏ trước tiên. 

3. Tìm hiểu các quy định về thuế

Part 1 mình đã đề cập đến một số hình thức có thể áp dụng để đăng ký miễn trừ thuế và tăng thu nhập khi làm việc tại công ty Nhật. Vậy khi tiến hành đầu tư tại Nhật thì sao?

Cách tăng thu nhập khi làm việc ở Nhật ? (Part 1)

Giảm thuế khi gửi tiền tiết kiệm ở Nhật

Đối với nhu cầu gửi tiền tiết kiệm, dù đây không phải là sự lựa chọn được đánh giá cao vì lãi suất của các ngân hàng Nhật luôn bị đánh giá là quá thấp. Những nếu bạn cân nhắc thì 財形貯蓄(ざいけいちょちく)(Tích luỹ tài sản)  là sự lựa chọn thích hợp để giảm thuế. Vì sao? Vì nếu lựa chọn hình thức này bạn sẽ được miễn thuế đối với lợi tức của khoản tiết kiệm tối đa là 550 man (bình thường thì bạn phải chịu thuế 20% đối với phần lợi tức đó).

Top 5 ngân hàng ở Nhật có mức lãi suất tiền gửi cao nhất

Giảm thuế khi đầu tư chứng khoán ở Nhật

Đối với nhu cầu đầu tư chứng khoán ở Nhật, thì việc đăng ký tài khoản NISA (Nippon Individual Savings Account) là cách hiệu quả nhất để giảm thuế đối với thu nhập có được từ giao dịch chứng khoán. 

Vậy NISA là gì? Theo quy định của pháp luật hiện hành thì với thu nhập có được từ giao dịch chứng khoản hay lợi tức thu được thì bạn sẽ phải chịu thuế 20%. Tuy nhiên, với việc sử dụng tài khoản NISA thì bạn sẽ được miễn thuế đối với lợi nhuận từ các khoản đầu tư tương đương 120 Man/năm, trong vòng 5 năm. Nói cách khác, với tài khoản NISA thì bạn sẽ không bị đánh thuế với khoản đầu tư tối đa là 600 Man trong vòng 5 năm. 

Ngoài ra, còn tồn tại một hình thức nữa, tương tự nhưng theo hướng đầu tư dài hạn là つみたてNISA. Với tài khoản つみたてNISA, bạn sẽ được miễn thuế đối với khoản lợi nhuận đến từ các khoản đầu tư có giá trị là 40 Man/năm, trong vòng 20 năm.

Hầu hết các công ty chứng khoán tại Nhật như SBI, Rakuten,…đều cho phép bạn đăng ký mở tài khoản NISA đồng thời tại thời điểm mở tài khoản chứng khoán nên các bạn lưu ý đăng ký luôn tại thời điểm đó là tiện nhất.

(Source:https://www.mizuhobank.co.jp/retail/products/nisa/about/index.html)

Note

Bản thân mình hiểu rất rõ việc tìm hiểu các quy định về pháp luật thuế, đặc biệt là ở nước ngoài, lại bằng một ngôn ngữ khác là điều cực kỳ khó. Tuy nhiên, một điều rất rõ rằng khi bạn nắm được các quy định liên quan đến thuế thì sẽ giúp các bạn tiết kiệm được một khoản chi phí rất đáng kể. Mình sẽ tiếp tục update thông tin cũng như chia sẻ chi tiết hơn ở những bài viết sau nên hi vọng các bạn có thể tiếp tục subscribe Blog/Theo dõi Facebook hoặc để lại comment những vấn đề đang quan tâm.

Avatar photo

Minh Dương is the Author of Blog "Office Life in Japan - Cuộc sống công sở Nhật Bản". Find out more about her at About of this Blog !