
Cảm giác bế tắc của người học Tiếng Nhật bậc trung cấp
Bạn đã bước qua bậc sơ cấp của tiếng Nhật và tạm được xếp vào bậc trung cấp, có thể hình dung như Intermediate của Tiếng Anh. Tuy nhiên, nếu bạn đang cảm thấy mất phương hướng khi học mãi mà không cảm thấy khá hơn, thậm chí còn cảm thấy マイナス, thì rất có thể bạn đang gặp phải một hiện tượng có thể tạm gọi là “Cảm giác bế tắc của người học bậc trung cấp”. Hi vọng thông qua ở bài viết này, bạn sẽ tìm thấy được giải pháp cho vấn đề của bản thân.
Vấn đề mà người học Trung cấp tiếng Nhật gặp phải
Thực ra thì khó có ranh giới nào phân định một cách chính xác để có thể kết luận rõ ràng trình độ tiếng Nhật của bất kỳ ai. Vì mỗi người có thể có những kỹ năng tốt nhất định như nghe, nói hoặc có sự hiểu biết từ vựng thuộc lĩnh vực cụ thể. Vậy nên họ có thể đạt đến trình độ trung cấp khi giao tiếp trong lĩnh vực quen thuộc đó, nhưng lại ở mức độ thấp hơn khi ở trong tình huống giao tiếp ở những lĩnh vực khác. Tuy nhiên, một cách chung nhất thì có thể lấy chứng chỉ N3 là một căn cứ để đánh giá bạn có thuộc trình độ trung cấp hay không? (Wiki)
Hiểu đơn giản thì bạn đã bước qua giai đoạn học bảng chữ cái hay những mẫu câu ngắn, đơn giản cũng như có thể nghe hiểu căn bản cũng như diễn đạt một điều bản thân muốn truyền đạt ở một mức độ nhất định.
Cảm giác bế tắc của người học bậc trung cấp là gì ?
Đây có thể hiệu là một giai đoạn mà khả năng hay tốc độ tiến bộ, mở rộng vốn từ, ngữ pháp của bạn bị chững lại. Cụ thể thì sau khi đạt đến trình độ trung cấp, bạn sẽ dễ gặp phải đối mặt với cảm giác thất vọng, thậm chí hoang mang khi cảm thấy bản thân không tiến bộ nhanh như khi thời sơ cấp dù thời gian đầu tư học từ vựng, ngữ pháp,… là không hề thay đổi.
Khi còn học sơ cấp, thì việc học thêm được một vài từ vựng hay một mẫu ngữ pháp mới để rồi sử dụng được nó vào ngày hôm sau đã khiến bạn cảm thấy vô cùng tự hào. Thì sau khi đạt đến trình độ trung cấp, bạn sẽ khó có thể cảm giác được sự tiến bộ rõ ràng như thế. Đó là vì sao mà rất nhiều người tin rằng có thể mất một thời gian không dài để đạt từ N5 lên N3, tuy nhiên từ N3 đến N2 và từ N2 đến N1 thì khoảng cách là vô cùng xa.
Dấu hiệu thường gặp
Để đánh giá xem bản thân có đang gặp phải tình trạng này hay không thì bạn có thể đối chiếu với những dấu hiệu thường gặp sau:
- Sử dụng lặp đi lặp lại những từ ngữ, mẫu câu đã biết và cảm thấy khó khăn trong việc mở rộng phạm vi từ vựng và ngữ pháp.
- Cảm thấy khó khăn trong việc diễn đạt để người bản xứ có thể hiểu được điều muốn truyền đạt một cách tự nhiên.
- Không có mục tiêu cụ thể trong việc học tiếng Nhật, dẫn đến việc mất dần động lực học tiếng Nhật.
Giải pháp cho người học tiếng Nhật trung cấp
Tạm gác lại những lời khuyên về phương pháp học thế này, thế kia,…vì mình đã đề cập đến ở một vào bài viết trước hoặc sắp tới, ở bài viết này mình chỉ chia sẻ một vài điều với hi vọng có thể giúp bạn để vượt qua cảm giác bế tắc, thất vọng và tiếp tục câu chuyện học tiếng Nhật.
Câu chuyện học tiếng Nhật của Người đi làm – Thói quen “Đọc”
Hiểu rằng bạn vẫn đang tiến bộ từng ngày
Cảm giác mình không thay đổi hay không di chuyển về phía trước trong hành trình học tiếng Nhật, trong hầu hết các trường hợp chỉ là cảm giác chủ quan mà thôi. Thực tế thì bạn vẫn đang có những bước tiến nhất định, chỉ là với tốc độ chậm hơn so với thời bạn còn học Minna thôi.
Cách đơn giản nhất là nhìn lại bản thân thời điểm vài tháng trước, vài năm trước để nhận rõ được mình đã bước đi xa như thế nào cùng như sự tiến bộ của bản thân để cảm thấy khá hơn mỗi khi thất vọng về khả năng tiếng Nhật của bản thân.
Thực ra thì tiếng Nhật cũng như bất kỳ một ngôn ngữ nào khác mà việc học là quá trình xuyên suốt, không có điểm dừng. Vậy nên theo mình thì thay vì đặt ra chất vấn: “Tại sao mình chỉ tiến bộ được chừng này?”, thì hãy tận hưởng quá trình học dù là việc biết thêm một từ vựng, một mẫu câu mới,…
Chọn ra mục tiêu học tiếng Nhật cụ thể
Một trong những nguyên nhân lớn nhất khiến những người học ở cấp độ Trung cấp khó có thể cải thiện nhanh chóng trình độ hiện tại là không đặt ra mục tiêu rõ ràng cho quá trình học. Mục tiêu có thể đơn giản như đọc bao nhiêu trang sách/ tuần, có thể lớn hơn như thi chứng chỉ tiếng Nhật thương mại,…quan trọng là bạn biết mình đang di chuyển với định hướng rõ ràng và kiên trì với mục tiêu đã định ra đó.
Đối mặt với kỹ năng mình cảm thấy thiếu tự tin nhất
Mỗi người học sẽ có những vấn đề riêng, có thể là với kỹ năng nói, có thể là Kanji,…và thường thì chúng ta sẽ tránh đối mặt với những điều chúng ta không tự tin. Tuy nhiên, để vượt qua được khủng hoảng của giai đoạn trung cấp thì cách tốt nhất chính là đánh giá lại trình độ của bản thân để tìm ra kỹ năng gì mình còn thiếu để tập trung hoàn thiện nó.
Lời khuyên cuối cùng đó là, cảm giác bế tắc mà bạn đang gặp phải cũng là vấn đề mà rất nhiều người tiếng Nhật gặp phải, vậy nên sẽ không là có gì là nghiêm trọng nếu bạn biết rằng mình đang ở trong tình trạng đó. Điều quan trọng là không để sự thất vọng, bế tắc đó khiến bạn dừng quá trình học tiếng Nhật của bản thân. Có vấn đề gì khác các bạn có thể để lại comment nhé !

