Những điều nên biết trước khi học và thi chứng chỉ tại Nhật (Part 1)
Phần vì nhận được rất nhiều câu hỏi liên quan đến việc học và thi 簿記 (Boki) sau bài đăng trên Facebook Page chia sẻ về việc mình vừa hoàn thành việc lấy chứng chỉ này. Đồng thời, hiểu được rằng việc lấy các chứng chỉ là điều mà rất nhiều bạn đang sống và làm việc tại Nhật, bao gồm cả các bạn sinh viên đang trong quá trình tìm việc đều rất quan tâm. Vậy nên, mình sẽ chia sẻ một vài những cảm nhận của bản thân về việc học và thi chứng chỉ 簿記 nói riêng và các chứng chỉ ở Nhật nói chung . Hi vọng bài viết sẽ giúp ích cho các bạn trong việc quyết định có nên theo đuổi hành trình khá tốn kém về cả thời gian và tiền bạc này không.
5 Lời khuyên dành cho nhân viên mới khi làm việc tại công ty Nhật
1. Cần xác định rõ mục đích của việc đạt được chứng chỉ
Câu hỏi: “Tại sao mình lại cần lấy chứng chỉ này?” nên là điều đầu tiên các bạn nên làm rõ trước khi đưa ra quyết định có nên bắt đầu việc học và thi hay không. Bởi nếu không có mục tiêu rõ ràng thì sẽ rất khó để có thể duy trì việc học và chuẩn bị cho kì thi chứng chỉ trong một khoảng thời gian không phải là ngắn, hơn nữa trong nhiều trường hợp thì bạn sẽ phải đầu tư cả về chi phí tài liệu, đăng kí khoá học,… Quá trình từ khi chuẩn bị đến khi vượt qua được kỳ thi cấp chứng chỉ thường đòi hỏi một khoảng thời gian ít nhất là vài tháng, nhiều khi là cả năm đối với những chứng chỉ có độ khó cao.
Chính vì vậy, ở nhiều thời điểm, bạn sẽ cảm thấy rất khó khăn để kiên trì với việc học thi này. Chỉ nghĩ đến việc ôm sách, giải đề sau cả ngày làm việc tại công ty trong nhiều ngày liên tiếp chắc cũng đủ để bạn hiểu việc duy trì quyết tâm trong thời gian dài là điều không hề đơn giản.
Tại sao?
Mình đưa ra vấn đề này, tưởng chừng như điều hiển nhiên, bởi bản thân đã thấy rất nhiều trường hợp học và thi chứng chỉ chỉ bới những lý do hết sức mơ hồ, kiểu: Chắc lúc nào đó sẽ cần dùng tới, hay tại mọi người đều lấy nên cũng lấy để đó,…Bên cạnh việc khó khăn trong việc duy trì động lực học, việc thi lấy chứng chỉ khi không có mục tiêu rõ ràng thì trong nhiều trường hợp sẽ dẫn đến việc không tận dụng được những ưu thế từ chứng chỉ hay không sử dụng được những kiến thức liên quan trong thực tế công việc.
Theo mình thì sẽ có 2 trường hợp bạn nên suy nghĩ đến việc nên lấy một chứng chỉ nào đó:
Thứ nhất: Bạn ở trong trường hợp bắt buộc phải có chứng chỉ đó theo yêu cầu công việc như một điều kiện thăng cấp, chuyển bộ phận hay như là một yêu cầu chuyên môn, hoặc muốn bổ sung vào CV trong quá trình tìm việc,…
5 điều được đánh giá cao trong cách làm việc tại công ty Nhật
Thứ hai: Dù không ở trong những trường hợp bắt buộc yêu cầu phải có chứng chỉ đó, nhưng bạn đơn giản là muốn tích luỹ thêm kiến thức liên quan đến chứng chỉ đó. Hoặc, có thể không bó hẹp trong phạm vi kiến thức liên quan đến một chứng chỉ cụ thể, đơn giản là bạn “enjoy” quá trình học thêm những kiến thức mới.
Vậy nên nếu bạn đang băn khoăn trong quyết định có nên học 簿記 hay bất cứ một chứng chỉ nào đó ở Nhật thì có lẽ bạn nên xem mình có đang ở trong hai trường hợp trên không. Nếu câu trả lời là không thì theo mình bạn nên cân nhắc lại để chắc chắc mình đủ kiên trì để hoàn thành quá trình chuẩn bị và việc học và thi đó là không lãng phí.
2. Cân nhắc về việc đăng ký các khoá học bài bản tại các cơ sở đào tạo
Nói tới cách thức học các chứng chỉ tại Nhật, thì thường có hai cách: Học tại các cơ sở đào tạo. Ví dụ, nói tới 簿記 thì có thể kể đến 大原, TAC,…hoặc là tự học theo các tài liệu bản thân thu thập.
Mình nhận được khá nhiều câu hỏi liên quan đến việc có nhất định phải theo học những khoá học tại các cơ sở đó để có thể vượt qua được những kì thi chứng chỉ không. Nếu câu hỏi là : “Có nhất thiết không?” thì câu trả lời sẽ là “Không”. Vì từ kinh nghiệm của bản thân mình cũng như từ những người mà mình biết thì việc tự học để có thể vượt qua các kì thi cấp chứng chỉ là điều hoàn toàn có thể, thậm chí không có gì là đặc biệt.
Tuy nhiên, dưới đây sẽ là những chia sẻ của cá nhân mình về hình thức học này, qua đó các bạn sẽ có thể đánh giá được liệu việc theo học tại các cơ sở đào tạo đó là cần thiết cho bản thân mình hay không.
Ưu điểm:
Theo học tại các trung tâm/trường đào tạo nên hiển nhiên bạn sẽ có lịch học cố định và lộ trình học rõ ràng. Điều này sẽ giúp bạn bạn có thể (hoặc phải bắt buộc?) duy trì được quyết tâm và giảm được xao lãng trong việc ôn tập. Ở hình thức ofliine, việc kết thêm bạn rồi lập nhóm học cũng khá thường thấy và là cách khá hữu hiệu để liên tục thúc đẩy bản thân kiên trì với mục đích học ban đầu.
Ngoài ra, một điểm cộng theo mình là rất quan trọng, đó là việc được trực tiếp học từ các giảng viên có kinh nghiệm sẽ giúp bạn hiểu được bản chất vấn đề một cách dễ hiểu, cũng như giúp ích rất nhiều trong việc ứng dụng các kiến thức từ việc học chứng chỉ vào công việc thực tế (実務). Đây là điều có thể nói là hạn chế lớn nhất của việc tự học, khi bạn khó có cơ hội để trao đổi những thắc mắc trong quá trình học. Vậy nên trong nhiều trường hợp bạn có thể tìm dược đáp áp, nhưng có thể chưa hiểu được toàn bộ bản chất vấn đề.
Nhược điểm:
Hiền nhiên là vấn đề chi phí, khi học phí cho những khoá học là không hề nhỏ từ vài man đến vài chục man, tuỳ theo từng chứng chỉ. Ngoài ra, với lịch học cố định thi sẽ có thể là khá khó khăn trong việc sắp xếp thời gian, đặc biệt là đối với những người đi làm.
Tóm lại, theo mình nếu bạn có điều kiện về tài chính hoặc cảm thấy khoản đầu tư đó là xứng đáng, hoặc là người khó có thể duy trì quyết tâm trong suốt lộ trình học bằng việc tự học thì việc đăng kí một khoá học chứng chỉ là điều hoàn toàn đáng cân nhắc. Nếu không nằm trong các trường hợp này thì việc tự học sẽ hiển nhiên có ưu thế hơn trong việc tiết kiệm chi phí và linh hoạt thời gian.