fbpx
Khó khăn khi làm việc trong công ty Nhật
Kinh nghiệm làm việc tại Nhật

Khó khăn của người nước ngoài khi làm việc tại Nhật

Làm việc ở nước ngoài với 100% người bản ngữ chắc chắn là điều mà rất nhiều bạn trẻ hướng tới. Tuy nhiên, chắc chắn không có bất kỳ công việc nào là trải toàn hoa hồng. Ở bài viết này, mình sẽ chia sẻ một số khó khăn khi làm việc tại Nhật và một vài lời khuyên để có thể nhanh chóng thích ứng và làm việc tốt trong môi trường toàn người Nhật.

1. Những khó khăn thường gặp khi làm việc tại Nhật

Rào cản ngôn ngữ

Ngôn ngữ có lẽ là vấn đề đầu tiên mà hầu hết tất cả người nước ngoài đều phải đối mặt khi làm việc tại Nhật. Nếu bạn không phải là ハーフ (con lai), hay sinh ra và lớn lên tại Nhật, hoặc ít nhất là đã sang Nhật từ những năm cấp 3 thì có lẽ Tiếng Nhật chắc chắn sẽ làm một thử thách khi bắt đầu làm việc tại Nhật.

Thực tế thì dù có N2, N1 đi chăng nữa thì để làm việc trong môi trường hoàn toàn bằng tiếng Nhật với người bản ngữ mà không gặp khó khăn gì thì gần như là không thể. Việc đọc tài liệu chuyên ngành, thuyết trình, trình bày báo cáo hay đơn giản là trả lời điện thoại một cách trơn tru… thực sự là những khó khăn rất thường gặp. 

Gác lại vấn đề về phát âm, giọng điệu thì việc sử dụng Business Japaness thành thạo là một kỹ năng mà dù có luyện bao nhiêu lâu kỳ thi JLPT đi chăng nữa thì cũng là điều khó đạt được. Ở đây, mình không nói về việc ôn và thi JLPT có quan trọng hay không, mình chỉ muốn nhấn mạnh rằng chỉ học JLPT thôi thì không đủ để có thể sử dụng tiếng Nhật mà không gặp khó khăn gì khi làm việc tại Nhật.

3 Suy nghĩ khiến bạn không tự tin giao tiếp tiếng Nhật

Khác biệt văn hoá trong công ty Nhật

Thực ra bản thân mình trước đây khi đọc một số bài viết về vấn đề khác biệt văn hoá (異文化), thậm chí vài lần mình còn được cho tham gia mấy khoá Training kiểu “Làm thế nào để đối mặt với vấn đề khác biệt văn hoá, nhưng lúc đó mình vẫn luôn nghĩ: “Có nhất thiết phải nghiêm trọng hoá vấn đề như thế không?”. Nhưng phải khi bắt đầu làm việc tại môi trường mà bạn là người nước ngoài duy nhất thì mới thấy hết được sự quan trọng của việc biết và hiểu sự khác biệt đó cũng như giải quyết làm sao cho hài hoà. 

Ví dụ như có lần đi Nomikai với mọi người trong phòng, khi được hỏi uống gì, mình cứ vô tư order theo ý thích, mà không biết một quy tắc bất thành văn ở Nhật khi tham dự Nomikai. Đó là đối với lần order đầu tiên, hầu hết mọi người sẽ order cùng một loại đồ uống mà phổ biến nhất là 生ビール  (bia) với lý do là để đồ uống có thể được mang ra nhanh chóng để tất cả cùng 乾杯 (Cheers),…

Lưu ý khi tham gia Nomikai ở công ty Nhật

Đặc trưng phong cách làm việc riêng biệt

Nói về phong cách làm việc thì mỗi công ty, tập đoàn sẽ có những quy định, cách thức khách, nhưng có lẽ đã làm việc ở công ty Nhật thì chắc chắn ai cũng đã từng nghe qua về  報連相 (ほうれんそう・Report – Contact – Consult)、PDCA (Plan-Do-Check-Action)、5W1H,…Trên thực tế thì những khái niệm này cũng đang ngày càng được đến rộng rãi, nhưng để hiểu rõ cũng như vận dụng đúng cách trong công việc hàng ngày là điều không hề dễ dàng.

Bản thân mình thời gian đầu cũng không hề quen với việc áp dụng mô hình  PDCA  trong công việc, kiểu khi làm xong một task gì, bất kể lớn nhỏ cũng sẽ phải 振返り(ふりかえり・nhìn lại, đánh giá lại,…), tức là nhìn lại xem mình đã thực hiện công việc đúng theo kế hoạch đề ra chưa, trong quá trình thực hiện có vấn đề gì cần cải thiện không, bla bla,… 

Đó chỉ một trong rất nhiều ví dụ mà khi người lao động nước ngoài sẽ phải đối mặt khi chưa làm quen hoặc chưa hiểu rõ về phong cách làm việc của các công ty Nhật Bản.

2. Cách để vượt qua những khó khăn khi làm việc tại Nhật

Trước hết, mình phải nói trước rằng những điều được coi là hiển nhiên như phải học tốt Tiếng Nhật, phải tìm hiểu kĩ văn hoá Nhật ,…sẽ không được đề cập ở đây mà nếu có cơ hội thì mình sẽ dành ra những bài viết riêng. Ở đây mình sẽ chỉ nêu ra một số suy nghĩ của cá nhân mình về việc làm sao để thích ứng tốt hơn và nhanh hơn với môi trường làm việc trong công ty Nhật.

Câu chuyện học Tiếng Nhật của Người đi làm – Thói quen “Đọc”

Đừng nóng vội kết quả

Trên thực tế, mình đã từng thấy khi bắt đầu làm việc tại nước ngoài, thời gian đầu, sẽ có rất nhiều bạn cảm thấy shock nặng khi đối mặt với hàng loạt khó khăn như đã để cập bên trên. Nhưng trong thời gian này, hầu hết sẽ vẫn rất quyết tâm học hỏi, chăm chú quan sát, hỏi han kinh nghiệm những người đi trước,…

Nhưng có điều, cải thiện khả năng ngôn ngữ hay hiểu biết về một nền văn hoá là điều không thể thực hiện trong một sớm, một chiều. Nên sau một thời gian cố gắng mà không thấy hiệu quả rõ rệt, rất nhiều bạn cảm thấy nản lòng, muốn bỏ cuộc giữa chừng. Chính vì vậy, việc duy trì quyết tâm, kiên trì ý thức học hỏi cũng như đừng quá nóng vội là điều hết sức cần thiết trong việc vượt qua những thử thách khi làm việc tại Nhật

Đừng tự biến mình thành bản sao của người khác

Đây là điều nghe thì dễ mà thực ra để thực hiện được là điều không hề dễ. Với xuất phải điểm là người nước ngoài làm việc trong môi trường toàn người bản địa, việc tiếp thu và chấp nhận văn hoá, cung cách làm việc của người bản xứ là điều cần thiết, vì dù sao thì cũng cần “Nhập gia tuỳ tục”. Tuy nhiên, bản thân mình thì luôn nghĩ hoà nhập là việc hiểu biết, đánh giá và tiếp thu những điều mình cho là hợp lý, đúng đắn của văn hoá bản địa, nhưng điều quan trọng hơn là đừng đánh mất cái riêng của bản thân. Tất nhiên, tuỳ thuộc vào môi trường, vào tính chất công việc thì đáp án cho câu hỏi “Hoà nhập đến mức độ nào được coi là hợp lý?” sẽ thay đổi.

Nhưng, bạn hoàn toàn không phải cố gắng đến mức biến mình thành con người khác chỉ để được coi là một thành viên giống như mọi người còn lại trong công ty. Vì sao? Vì một trong các lý do việc các công ty tuyển dụng người lao động nước ngoài là việc những nhân viên ngoại quốc có thể đóng góp cho diversity (sự đa dạng) của công ty. Vậy nên, việc tự biến mình thành một người Nhật như khuôn đúc là điều mà mình luôn cho rằng hoàn toàn không phải bắt buộc.

Thái độ quyết định tất cả

Chắc chắn nếu bạn đã từng biết đến chế dộ tuyển dụng của Nhật thì cũng sẽ hiểu rằng điều mà công ty Nhật chú trọng chính là thái độ, ý thức học hỏi cũng như tiềm năng của bạn chứ không phải là những kỹ năng, kiến thức mà bạn đã và đang có. Chính vì vậy, dù tiếng Nhật, hiểu biết về văn hoá còn hạn chế, cung cách làm việc còn chưa đúng chuẩn nhưng hãy nhớ, thái độ cầu tiến, thân thiện là chính là chiếc phao cứu sinh cho bạn trong hành trình sống và làm việc tại Nhật.

Trên đây mình đã tổng hợp lại một số khó khăn điển hình mà những ai khi bắt đầu làm việc tại Nhật Bản đều sẽ phải đối mặt cũng như một vài lời khuyên từ chính kinh nghiệm của bản thân mình. Mình hoàn toàn không cố gắng để đưa ra một giải pháp (solution) hoàn hảo cho những khó khăn trên, mà chỉ là những chia sẻ cá nhân với hi vọng sẽ giúp các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về quá trình làm việc và thích ứng trong môi trường công ty Nhật. 

Vì vậy, nếu có ý kiến khác hay giải pháp nào hữu ích thì các bạn có thể để lại phía dưới Comment nhé !

Avatar photo

Minh Dương is the Author of Blog "Office Life in Japan - Cuộc sống công sở Nhật Bản". Find out more about her at About of this Blog !