fbpx
Quản lý tài chính khi sống ở Nhật

Tips quản lý chi tiêu khi làm việc ở Nhật

Thực tế thì hầu hết mọi người làm việc ở Nhật đều rất ít khi quan tâm hay để ý việc quản lý chi tiêu, thu nhập của bản thân. Vì sau khi nhận lương, sau khi đóng tiền nhà hay các chi phí khác thì đa phần đều sẽ lựa chọn gửi tiền về Việt Nam để trả nợ hay giúp đỡ gia đình,…Trong những trường hợp đó thì những tips chi tiêu hợp lý hay này kia đều nên được xếp sau việc thanh toán các khoản nợ. Tuy nhiên, trong những trường hợp khác, khi các bạn có thể độc lập quản lý tài chính của bản thân thì bài viết này sẽ chia sẻ 5 hạng mục mà bạn nên dành sự quan tâm để có thể quản lý chi tiêu khi làm việc ở Nhật.

 1. Quỹ dự phòng trong trường hợp cần thiết

Quỹ dự phòng (Emergency Fund), hiểu một cách đơn giản là khoản được dành riêng cho những tình huống, ngoài dự tính trong tương lai như: bất ngờ nghỉ việc, ốm đau hay phát sinh chi phí khác ngoài dự tính,…

Trong thời điểm như hiện nay, khi không ai dám chắc mình còn giữ được công việc hiện tại đến bao giờ thì tầm quan trọng của quỹ dự phòng lại càng rõ ràng. Không có quỹ dự phòng đồng nghĩa với việc khi đột nhiên nhận thông báo nghỉ việc ngày hôm trước là ngày hôm sau bạn đã phải vội vàng tìm ngay một công việc khác, chấp nhận cả công việc không đúng khả năng chuyên môn của bản thân chỉ vì áp lực phải trả tiền nhà hay sinh hoạt phí,…Sự tồn tại của quỹ dự phòng chính là yếu tố quan trọng giúp bạn có thể bình tĩnh đối mặt với bất kỳ tình huống bất lợi nào ngoài dự tính tương tự xảy ra trong cuộc sống.

Vậy giá trị của quỹ dự phòng bao nhiêu là hợp lý? Về cơ bản thì tốt nhất bạn nên dành ra một khoản đủ để bạn có thể sống được trong vòng 3-6 tháng. Tối thiểu là 3 tháng nhé. Đây là quãng thời gian được cho là hợp lý để bạn có thể tìm được một công việc mới hoặc sắp xếp lại cuộc sống sau biến cố nào đó. Vậy nên, nếu ai còn chưa nghĩ đến việc dành ra một khoản cho quỹ dự phòng này thì rất nên cân nhắc nhé.

2. Chi phí dành cho chi tiêu cơ bản

bài viết trước mình đã đề cập đến sự khác nhau của “Needs” và “Wants”. Hay có thể hiểu đơn giản là chi phí dành cho những nhu cầu thiết yếu của cuộc sống và những chi phí khác, không phải là thiết yếu những bạn thường có xu hướng sử dụng tiền để chi trả những thứ như túi hiệu, điện thoại đời mới,…Khoản chi tiêu bạn nên dành ra ở đây là những chi tiêu thuộc nhóm “Needs” như: tiền nhà, tiền điện nước,…Ở mức lý tưởng, bạn có thể dành 50-55% thu nhập để chi trả cho những chi tiêu cơ bản này.

Hãy nhớ đừng để phát sinh những chi phí không đáng có như chậm nộp tiền điện thoại hay quên nộp tiền điện, nước hàng tháng dẫn đến bị cộng thêm chi phí. Cách tiện nhất là đăng ký trả bằng thẻ tín dụng để tận dụng được điểm thưởng. Hầu hết các thẻ tín dụng phổ biến, như Rakuten Credit Card đều cho phép bạn đăng ký chi trả tự động tiền điện nước,…với nhiều ưu đãi điểm thưởng.

Link đăng ký thẻ Rakuten Credit Card (楽天クレジットカード)

3. Khoản dành cho đầu tư

Đây là khoản để bạn sử dụng để có thể gửi tiết kiệm, đầu tư chứng khoán, bất động sản cho thuê, kinh doanh online,…hoặc bất kỳ hình thức nào phù hợp với hoàn cảnh của bản thân.

Tuy nhiên, nên nhớ trước khi đầu tư bất kì hình thức nào, hãy luôn tìm hiểu thật kỹ để biết chắc rằng mình đang dùng tiền vào đâu. Nếu gửi tiết kiệm, ít nhất hãy kiểm tra lãi suất, thời hạn gửi, uy tín của ngân hàng, phí rút tiền,…Nếu đầu tư chứng khoán hãy nhớ xem xét điều kiện mở tài khoản, lệ phí giao dịch, cách nạp/rút tiền,…

3 Điều phải biết trước khi đầu tư chứng khoán ở Nhật

4. Chi phí đầu tư cho bản thân

Đây là điều mà mình đã đề cập đến hơn một lần. Tuy nhiên, muốn nâng cao thu nhập của bản thân trong tương lai thì con đường ngắn và bền vững nhất là đầu tư cho bản thân thông qua việc học thêm kỹ năng mới, nâng cao kiến thức chuyên môn,…

Bạn có thể cảm thấy việc bỏ ra vài Man để theo học một khoá học hay tham gia một seminar nào đó ở thời điểm hiện tại là điều xa xỉ. Tuy nhiên, nếu bạn tận dụng được những điều thu được từ khoá học, sách, seminar,…đó vào công việc (bao gồm cả công việc chính và công việc ngoài giờ như freelance,…) thì thực ra khoản đầu tư vài Man kia là hoàn toàn xứng đáng.

5. Chi phí dành cho nhu cầu giải của bản thân

Ưu tiên cuối cùng trong danh mục các khoản chi sau khi nhận lương đó là chi phí dành cho nhu cầu giải nhí hoặc các chi phí khác khi cần thiết. Để biết thêm về cách tiếp kiệm chi phí dành cho các hình thức giải trí khi sống ở Nhật các bạn có thể tham khảo ở bài viết trước.

Cách tăng thu nhập khi làm việc ở Nhật ? (Part 1)

Cách tăng thu nhập khi làm việc tại Nhật (Part 2)

Dù sao thì khi sống và làm việc với cường độ cao như tại Nhật thì việc dành một khoản chi phí hợp lý dành cho các nhu cầu chính đáng của bản thân, theo mình là một ý tưởng không hề tệ.

Trên đây là một vài chia sẻ về việc nên phân bổ thu nhập như thế nào là hợp lý để có thể quản lý chi tiêu tiết kiệm và hiệu quả khi làm việc ở Nhật. Tất nhiên, mỗi người sẽ có những nhu cầu cũng như cách thức khác nhau, nên các bạn hoàn toàn có thể điều chỉnh tỷ lệ của các khoản chi tiêu trên để phù hợp với điều kiện tài chính của bản thân.


Avatar photo

Minh Dương is the Author of Blog "Office Life in Japan - Cuộc sống công sở Nhật Bản". Find out more about her at About of this Blog !